Bệnh đái tháo đường: Nguyên nhân, Triệu chứng & Các biến chứng bệnh

Trong xã hội hiện đại ngày nay, bệnh đái tháo đường đã trở thành một căn bệnh phổ biến và nguy hiểm nếu không được phát hiện và có biện pháp chữa trị kịp thời. Sau đây, Thị trường nước ngoài muốn cung cấp đến các bạn  một số thông tin về bệnh đái tháo đường và cách phòng tránh, kiểm soát bệnh lịp thời.

Bệnh đái tháo đường là gì?

Bệnh đái tháo đường là bệnh gì?
Bệnh đái tháo đường là bệnh gì?

Đái tháo đường (hay còn gọi là Tiểu đường) là bệnh mạn tính do sự thiếu hụt insulin tương đối hoặc tuyệt đối gây ra rối loạn chuyển hóa glucid. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng: tăng đường huyết mạn tính và các rối loạn chuyển hóa khác.

Với các bệnh nhân tiểu đường, quá trình chuyển hóa glucid bị rối loạn. Dẫn đến lượng glucose trong tế bào giảm, không đủ để sản sinh năng lượng cho cơ thể. Đồng thời, lượng đường trong máu tăng cao, đi đến các cơ quan trong cơ thể gây ra một số bệnh nguy hiểm cho hệ tim mạch, mắt, thận, thần kinh, và một số cơ quan khác.

Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường liên quan đến một hormon tên là Insulin. Insulin là một hormon được sản xuất bởi tuyến tụy, có bản chất là một protein nhỏ. Insulin có nhiệm vụ quan trọng trong chuyển hóa glucid, lipid, protein và sự phát triển của cơ thể

Insulin tác dụng lên quá trình chuyển hóa glucid làm tăng thoái hóa glucose, sản sinh ra năng lượng; tăng dự trữ glucose ở gan và các mô mỡ; ức chế tân tạo đường từ glycogen. Từ đó insulin góp phần kiểm soát lượng đường trong máu ở một nồng độ thích hợp.

Ngoài ra insulin còn làm tăng tổng hợp acid béo từ glucid và tăng tổng hợp triglycerid từ acid béo để dự trữ lipid ở mô mỡ. Insulin giúp tăng tổng hợp và dự trữ protein, thúc đẩy quá trình phát triển cơ thể.

Với bệnh nhân đái tháo đường, vì các nguyên nhân khác nhau mà lượng insulin trong máu bị giảm sút, dẫn đến lượng glucose máu không được kiểm soát ở ngưỡng an toàn, gây ra các bệnh lý nghiêm trọng khác. Dựa vào cơ chế bệnh sinh, người ta chia Đái tháo đường thành 4 loại như sau:

Phân loại

Phân loại tình trạng đái tháo đường
Phân loại tình trạng đái tháo đường

Đái tháo đường typ 1

Xảy ra khi tế bào β  tuyến tụy bị phá hủy theo cơ chế tự miễn.

Gồm 2 giai đoạn:

  • Tiền đái tháo đường:: kháng thể kháng tế bào β tụy lưu hành trong máu, quá trình phá hủy diễn ra trong vài năm hoặc vài tháng.
  • Đái tháo đường thực sự: Khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì hầu hết các tế bào β của đảo tụy đã bị phá hủy (trên 80%), khả năng tiết insulin còn lại rất ít và cạn kiệt dần.

Đái tháo đường typ 1 thường gặp ở trẻ em hoặc tuổi vị thành niên, tuy nhiên cũng có thể bắt gặp ở người lớn tuổi do các yếu tố môi trường như rượu bia gây hủy hoại tụy, hoặc do phẫu thuật cắt bỏ.

Đái tháo đường typ 2

Xảy ra do cơ chế kháng insulin. Lúc này các tế bào β tuyến tụy vẫn sản xuất insulin bình thường, nhưng  lại có sự giảm số lượng receptor của insulin ở mô đích hoặc giảm khả năng gắn của insulin vào receptor, dẫn đến lượng insulin trong máu ngày càng cao nhưng lượng glucose tiếp nhận được vào tế bào vẫn lại không đủ.

Khi đó, để vẫn huy động đủ glucose cho hoạt động của cơ thể, tế bào đảo tụy phải tăng cường sản xuất thêm insulin, sau một thời gian dài thì tụy sẽ trở nên suy yếu và không đủ khả năng sản xuất insulin đáp ứng được nhu cầu cho cơ thể nữa.  Lúc này glucose máu sẽ tăng cao và gây ra các triệu chứng lâm sàng đặc trưng trên bệnh nhân.

Đái tháo đường typ 2 rất phổ chiếm đến 90% số lượng bệnh nhân đái tháo đường. Thường gặp ở người cao tuổi, béo phì, tăng huyết áp.

Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ

Thường gặp ở cuối thai kỳ. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ ngày càng tăng cao. Mặc dù đái tháo đường thai kỳ sẽ khỏi sau khi sinh nhưng nó cũng gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho mẹ và bé, đồng thời sau khi khỏi phụ nữ mắc bệnh này sẽ dễ bị đái tháo đường typ 2 hơn những phụ nữ khác.

Tình trạng khác

Đái tháo đường mắc phải do các bệnh lý như: Bệnh lý tụy ngoại tiết (Viêm tụy cấp (do rượu, sỏi tụy); Bệnh nội tiết khác (Cushing, Basedow); Dùng thuốc và hóa chất  (Chẹn β-adrenergic); Hội chứng rối loạn gen…

Triệu chứng đái tháo đường

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh Đái tháo đường là: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân. Ngoài ra người bệnh có thể gặp những triệu chứng khác như: mắt mờ, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, các vết thương dễ nhiễm trùng và chậm lành, có cảm giác kiến bò ở các đầu chi,…

Biến chứng

  • Hạ đường huyết:

Thường do bệnh nhân dùng insulin quá liều, không ăn, tập luyện quá sức, dẫn đến lượng glucose máu giảm đột ngột gây ra: Hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, hôn mê. Tuy nhiên, các triệu chứng trên chỉ gặp ở bệnh nhân đái tháo đường giai đoạn nhẹ, với các bệnh nhân Đái tháo đường mạn tính thì do có tổn thương thần kinh thực vật nên không nhận biết được triệu chứng hạ đường huyết trên dẫn đến tình trạng hôn mê khi lượng glucose máu giảm.

  • Nhiễm toan ceton: thường gặp ở đái tháo đường typ 1

Khi tế bào không được cung cấp đủ glucose để sản sinh năng lượng thì buộc phải phân giải mỡ để tạo năng lượng bù. Quá trình này khiến cho nồng độ cetonic trong máu tăng cao, gây ra các triệu chứng: ăn không ngon, mệt mỏi, buồn nôn, hơi thở có mùi thơm trái cây, hôn mê,… Lúc đó cần cho bệnh nhân nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

  • Tăng áp lực thẩm thấu: thường gặp ở đái tháo đường typ 2
Biến chứng tiểu đường tuýp 2
Biến chứng tiểu đường tuýp 2

Khi nồng độ glucose máu cao, máu sẽ trở nên đặc, nước từ tế bào sẽ thẩm thấu qua màng tế bào để ra máu, khiến cho tế bào teo lai. Từ đó gây ra các triệu chứng lờ đờ, lú lẫn, mắt mờ, hôn mê,…

  • Loét chân do đái tháo đường:

Là một biến chứng hay gặp ở bệnh nhân Đái tháo đường do bàn chân bệnh nhân mất cảm giác, dễ bị hoại tử và biến chứng tắc mạch khiến cho kháng sinh và bạch cầu không đến được vị trí tổn thương  tắc mạch nên quá trình chữa trị, bình phục khó khăn hơn. Có hơn 25% bệnh nhân đái tháo đường có các vấn đề về bàn chân. Tuy nhiên kết quả điều trị sẽ khả quan nếu được điều trị sớm.

  • Biến chứng mạch ngoại vi:

Bệnh đái tháo đường  là bệnh mạn tính gây tổn thương mạch ngoại vi gây nên nhiều biến chứng như: Mắt (mờ, mù lòa,…), thận (suy thận mạn), thần kinh (mất cảm giác chân, tê bì, đau, yếu mỏi, liệt cơ, tiêu chảy, táo bón, tụt huyết áp tư thế đứng, đái không tự chủ, đờ bàng quang,…).

  • Biến chứng tim mạch:
Biến chúng tim mạch của đái tháo đường
Biến chúng tim mạch của đái tháo đường

Tăng huyết áp vừa là một yếu tố nguy cơ, vừa là hậu quả của Đái tháo đường. Vì vậy tăng huyết áp làm tăng khả năng mắc biến chứng tim mạch và biến chứng mạch máu nhỏ ở bệnh nhân Đái tháo đường.

Bên cạnh đó, bệnh mạch vành cũng là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân Đái tháo đường, với các biến chứng như: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử,…

Tầm soát Đái tháo đường

Theo quy ước của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) công bố năm 2010 thì bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc Đái tháo đường khi có 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

  1. Nồng độ glucose huyết tương lúc đói ≥ 7,0 mmol/L trong 2 buổi khác nhau, đo khi nhịn ăn ít nhất 8h.
  2. Nồng độ glucose huyết tương sau 2h sau khi uống 75g glucose/250ml nước ≥ 11,1 mmol/L.
  3. Nồng độ glucose huyết bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L kèm theo các triệu chứng của tăng đường huyết.
  4. HbA1c  ≥ 6,5%.

Khi gặp các triệu chứng của Đái tháo đường đặc biệt như: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhanh, hoặc có chỉ số BMI ≥ 23kg/m2, có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, phụ nữ bị buồng trứng đa nang, đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ, có người thân trong gia đình cũng bị đái tháo đường,… bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được làm các xét nghiệm trên, phát hiện bệnh kịp thời. Trước khi làm xét nghiệm, bạn cần nhịn ăn trước đó từ 8-10h.

Phòng và điều trị Đái tháo đường

Các biện pháp phòng và điều trị đái tháo đường
Các biện pháp phòng và điều trị đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh mạn tính và gây nhiều biến chứng, do đó bạn cần hiểu rõ và có lộ trình, phương pháp điều trị hợp lý và lâu dài. Bệnh nhân cần phối hợp cả 2 biện pháp điều trị sau:

  • Biện pháp không dùng thuốc: Đây là phương pháp căn bản và quan trọng đối với các bệnh nhân đái tháo đường.

– Chế độ ăn:

+ Khẩu phần ăn phải cân đối, đủ chất dinh dưỡng: Bạn nên duy trì việc ăn cơm, tránh ăn các thực phẩm thay thế chứa tinh bột. Sau bữa ăn nên ăn hoa quả ít đường như ổi, dưa chuột, bưởi (vải, nhãn <2 quả). Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho cơ thể và tình trạng bệnh lý riêng của bản thân.

+ Chia thành nhiều bữa nhỏ và giờ ăn phải đều.

– Vận động thể lực (Rất cần thiết đối với bệnh nhân, đặc biệt là type 2) Bệnh nhân nên tăng cường vận động, nhưng phải phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý của mình. Nên tập luyện từ thời gian ngắn, nhẹ nhàng rồi tăng dần cường độ, thời gian tập luyện.

– Kiểm soát đường huyết và khám định kỳ:Bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên bằng dụng cụ đo đường huyết tại nhà và cẩn trọng với các dấu hiệu cho thấy mức độ đường trong máu quá thấp hoặc quá cao. Khám định kỳ theo thời gian bác sĩ chỉ định.

  • Biện pháp dùng thuốc:
Điều trị đái tháo đường bằng cách dùng thuốc
Điều trị đái tháo đường bằng cách dùng thuốc

Insulin được chỉ định bắt buộc với các bệnh nhân đái tháo đường typ 1 và các trường hợp biến chứng nặng như hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu,…. Còn các bệnh nhân đái tháo đường typ 2 thì chế độ ăn uống và tập luyện có thể cải thiện rất tốt tình trạng bệnh lý. Insulin chỉ dùng tạm thời cho bệnh nhân typ 2 trong một số trường hợp như: có thai, nhiễm khuẩn, phẫu thuật,…

Bệnh Đái tháo đường nên kiêng gì và nên ăn gì?

Đái tháo đường là bệnh mạn tính nên bệnh nhân cần kiêng các thực phẩm nhiều đường suốt cuộc đời. Nếu dùng các thực phẩm này sẽ làm bệnh trở nên nghiêm trọng và nhiều biến chứng hơn. Vì vậy có một số thực phẩm cần tránh sau đây:

  • Các loại thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt là đường hóa học như: bánh kẹo, nước ngọt, sữa,…
  • Sử dụng hạn chế có kế hoạch các thực phẩm chứa nhiều tinh bột như: cơm, phở, bún,…
  • Đồ ăn có nhiều chất béo bão hòa, cholesterol: thịt mỡ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, pho mát, bơ sữa,…
  • Rượu, bia và đồ uống có cồn.

Bên cạnh đó, có một số loại thực phẩm bạn nên bổ sung trong bữa ăn để có thể cân bằng chế độ dinh dưỡng như: Các loại trái cây ít đường: táo, bưởi, ổi, cam quýt,…;Thịt nạc, đặc biệt là thịt bò, cá,…